Tin tức ngành
Xin chào quý các bạn! Chúng tôi xin gửi đến bạn bản tin tổng hợp về những diễn biến mới nhất trong ngành logistics tuần 44. Thông qua những tin tức này, các bạn có thể nắm bắt những thông tin quan trọng, từ những thay đổi trong chính sách, xu hướng công nghệ mới, đến các vấn đề nóng hổi tác động trực tiếp đến hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãy cùng Lacco theo dõi để không bỏ lỡ những thông tin thú vị và hữu ích cho công việc của bạn!
TIN TỨC LOGISTICS TRONG NƯỚC
Cà Mau thu hồi hơn 100ha đất mở Cảng hàng không
Ngày 7/11, UBND tỉnh Cà Mau đã có tờ trình gửi Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.
Dự án mở rộng và nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau cần thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 105,53ha đất. Trong đó, diện tích cho phần mở rộng cảng là 101,41ha, còn lại là các khu vực liên quan như Đài chỉ huy, Đài DVOR/DME và các hạ tầng liên kết khác. Dự án thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư khoảng 863 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn tất giải phóng mặt bằng và bàn giao vào năm 2025.
Theo Quy hoạch từ Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không Cà Mau sẽ đạt cấp sân bay 4C, phục vụ loại máy bay A320/A321 và công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm giai đoạn 2021-2030, và nâng lên 3 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Ngày 15/10/2024, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư, giao ACV thực hiện dự án với tổng vốn khoảng 2.400 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đón cơ hội “vàng” xuất khẩu cá ngừ sang thị trường UAE
Các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đang bị áp mức thuế 5%. Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường này sẽ mở rộng hơn khi FTA giữa Việt Nam và UAE có hiệu lực và đưa thuế nhập khẩu thủy sản vào quốc gia này về 0%.
Trong chuyến thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá ngừ Việt Nam. Theo VASEP, CEPA có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh nhờ ưu đãi thuế quan, dự kiến giảm thuế nhập khẩu thủy sản xuống 0%.
Hiện Việt Nam là một trong ba nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho UAE, với xuất khẩu cá ngừ tăng từ 1,6 triệu USD năm 2019 lên gần 4 triệu USD năm 2023. Tuy nhiên, năm 2024, xuất khẩu có biến động, chỉ tương đương so với năm 2023 tính đến tháng hết tháng 9/2024
Dù có tiềm năng lớn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp thách thức với các yêu cầu Halal nghiêm ngặt của UAE. Với nhu cầu thủy sản cao, nhập khẩu chiếm đến 90% thị phần, UAE là thị trường quan trọng và tiềm năng lớn để ngành cá ngừ Việt Nam mở rộng xuất khẩu và gia tăng thị phần.
Hoa Kỳ khởi xướng điều tra kép với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 28/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 28/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, mã HS: 4823.61.0020, 4823.61.0040, 4823.69.0020, 4823.69.0040, 4823.90.1000. Sản phẩm của Việt Nam có biên độ phá giá cáo buộc từ 231,73% đến 260,56%.
Để xác định biên độ phá giá, DOC sẽ sử dụng giá trị thay thế từ Indonesia do Việt Nam được coi là nền kinh tế phi thị trường. Các doanh nghiệp có 30 ngày để bình luận về giá trị và nước thay thế.
DOC đang điều tra 26 chương trình trợ cấp từ Việt Nam, bao gồm các ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, và giá tiện ích ưu đãi. Các doanh nghiệp cần đăng ký tài khoản IA ACCESS để theo dõi và trả lời các bản câu hỏi về Lượng và Giá trị.
DOC sẽ lựa chọn hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc dựa trên phản hồi từ bản câu hỏi và dữ liệu của Hải quan Hoa Kỳ. Những doanh nghiệp không được chọn làm bị đơn bắt buộc có thể xin hưởng thuế suất riêng rẽ, với điều kiện chứng minh tính độc lập.
TIN TỨC LOGISTICS QUỐC TẾ
Thế giới sẽ thay đổi như thế nào khi ông Trump trở lại nhà trắng?
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 có thể tác động mạnh đến hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới như Ukraine, Israel, NATO và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc.
Vào ngày 6/11/2024, ông Trump đã giành được 277 phiếu đại cử tri, chiến thắng trước bà Harris trong cuộc đua Tổng thống Mỹ. Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump gợi lên nhiều vấn đề quốc tế mới. Về Trung Đông, ông Trump tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Israel trong xung đột với các lực lượng như Hamas và Hezbollah, không ưu tiên ngừng bắn tại Gaza. Đối với NATO, ông duy trì quan điểm giảm gánh nặng chi phí của Mỹ và có khả năng rút khỏi hiệp ước này.
Về Ukraine, ông Trump tỏ ra hoài nghi về viện trợ Mỹ và có thể gây áp lực buộc Ukraine nhượng bộ. Trong khi đó, ông Trump có ý định tăng cường chiến tranh thương mại với Trung Quốc, dự kiến áp thuế cao và có thể rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Chính sách nhập cư của ông cũng được thắt chặt hơn với kế hoạch trục xuất người nhập cư quy mô lớn nhất trong lịch sử Mỹ, sử dụng cả Vệ binh Quốc gia nếu cần thiết.
Iraq mở tuyến vận tải hàng hóa mới từ châu Á tới châu Âu
Cảng Grand Faw trên Bán đảo Al-Faw dự kiến sẽ mở ra một tuyến vận chuyển hàng hóa mới giữa châu Á và châu Âu với cơ sở hạ tầng đường sắt và đường bộ nâng cấp chạy qua Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Iraq đã khánh thành 5 bến tàu tại cảng Grand Faw trên bán đảo Al-Faw bên bờ Vịnh Ba Tư vào ngày 7/10. Cảng Grand Faw, với tổng chi phí khoảng 17 tỷ USD, dự kiến sẽ tạo ra một tuyến vận chuyển hàng hóa chiến lược giữa châu Á và châu Âu, nhằm giảm phụ thuộc vào hệ thống cảng của các quốc gia láng giềng trong vùng Vịnh. Tuyến vận chuyển này sẽ được hỗ trợ bởi mạng lưới cơ sở hạ tầng đường sắt và đường bộ hiện đại chạy qua Iraq và kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Sudani nhấn mạnh rằng cảng mới sẽ đưa Iraq trở thành một phần quan trọng trong tuyến đường thương mại toàn cầu qua Trung Đông. Giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành vào năm tới, với công ty Daewoo Engineering của Hàn Quốc đảm nhiệm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm đê chắn sóng dài gần 16 km – đã đạt kỷ lục Guinness là đê chắn sóng dài nhất thế giới – để bảo vệ cảng trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng Vịnh.
Doanh nghiệp tại Mỹ gấp rút nhập hàng vì lo ông Trump áp thuế nhập khẩu
Trước kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Donald Trump, doanh nghiệp Mỹ đang gấp rút tăng tốc nhập hàng, đẩy nhu cầu container và chi phí vận chuyển tăng cao.
Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu 10-20% với hàng hóa vào Mỹ và tới 60-100% với hàng từ Trung Quốc, gây lo ngại cho các doanh nghiệp Mỹ. Để ứng phó, các công ty bán lẻ và sản xuất tại Mỹ đang yêu cầu đối tác vận chuyển lấy hàng sớm nhằm tránh tác động của thuế quan mới. Động thái này làm tăng nhu cầu container và tàu hàng, kéo theo cước vận chuyển, thuê xe tải, và chi phí kho bãi có khả năng leo thang.
Năm 2018, khi Trump áp thuế với Trung Quốc, cước vận tải container đã tăng hơn 70%, và tình hình hiện tại có thể tương tự. Tuy nhiên, cổ phiếu của các hãng vận tải biển, như Maersk, lại giảm do lo ngại về tác động lâu dài của thuế nhập khẩu. Chuyên gia nhận định trong ngắn hạn, các hãng vận tải có thể hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao, nhưng triển vọng dài hạn của thương mại vẫn không chắc chắn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin logistics tuần 44 cùng Lacco Việt Nam! Hy vọng những thông tin vừa qua sẽ giúp bạn cập nhật được những xu hướng, thách thức và cơ hội trong ngành, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp cho công việc của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến cho bạn những tin tức mới nhất trong các tuần tiếp theo. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin quan trọng nào. Chúc các bạn một tuần làm việc hiệu quả!
Mọi thông tin cần hỗ trợ về các hoạt động logistics: vận chuyển nội địa - quốc tế, thủ tục hải quan,... và các hoạt động xuất nhập khẩu khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.
Thông tin chi tiết liên hệ:
Hotline: +84906 23 55 99
Email: info@lacco.com.vn
Website: https://lacco.com.vn/